LANGUAGE

26/5/12

Chương 5: Đam Mê Hay Lợi Nhuận?






"Đam mê là nguồn gốc tạo nên bậc kỳ tài"
~ Anthony Robbins

Bạn theo đuổi một công việc kinh doanh vì tiền hay thực sự đam mê nó?

Nếu bạn không tận tâm hoặc không hiểu biết nhiều về thị trường ngách mà mình đã chọn, bạn có thể gặp phải rất nhiều khó khăn sau này.

Ví dụ, dịch vụ chăm sóc khách hàng sẽ khiến bạn cực kì vất vả (và nhàm chán) khi phải trả lời những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực mà bạn chỉ biết chút ít (tất nhiên, về lâu dài bạn sẽ muốn thuê nhân sự để làm việc này. Thế nhưng ban đầu tốt nhất bạn nên tự trải nghiệm và khám phá, từ đó bạn có thể hiểu rõ hơn những vấn đề hoặc mối bận tâm của khách hàng).

5 Lý Do Để Theo Đuổi Đam Mê

1. Niềm vui

Nếu thị trường ngách của bạn là dạy cách nấu món ăn Ý mà bạn không hề hứng thú với nó, chắc chắn việc kinh doanh sẽ không mang lại niềm vui cho bạn. Sẽ thật nhàm chán khi bạn phải nghiên cứu, bán hàng và hỗ trợ khách hàng về một chủ đề mà bạn không thích.

2. Thư chào hàng có sức thuyết phục hơn

Khi bạn đã có kinh nghiệm cũng như hiểu biết rõ về sản phẩm của mình, bạn sẽ có khả năng truyền đạt tốt hơn.
Kiến thức và lòng nhiệt huyết tạo thành một sự kết hợp vô cùng mạnh mẽ. Điều này sẽ giúp bạn viết một bức thư chào hàng một cách tự nhiên và hiệu quả hơn.
Một trong những phần khó nhất của việc viết một bức thư chào hàng hiệu quả là phải hiểu rõ về sản phẩm và tâm lý khách hàng. Chỉ cần có niềm đam mê, bạn sẽ thực hiện được điều đó.

3. Kiếm được nhiều tiền hơn

Một khi bạn hiểu rõ thị trường ngách của mình, bạn sẽ biết được những sản phẩm nào khác (ngoài sản phẩm chính của mình) có thể mang lại lợi ích cho khách hàng.
Do đó, bạn sẽ có cơ hội giới thiệu với những khách hàng mà bạn đã xây dựng được mối quan hệ và lòng tin về những mặt hàng liên quan này.

4. Gia tăng sự trung thành

Nếu bạn chia sẻ chung một niềm đam mê với khách hàng, họ sẽ xem bạn như chính bản thân mình. Một khi họ thích
bạn, họ sẽ càng thêm tin tưởng bạn.
Niềm tin – sẽ hướng khách hàng đến sự thỏa mãn, sự cam kết và cuối cùng là tăng doanh số.

5. Phát triển mạng lưới quan hệ

Nhiều khả năng bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ từ các mối quan hệ sẵn có của mình. Những người bạn có chung niềm đam mê có thể muốn giúp bạn trong việc xây dựng nội dung, kênh phân phối và các lĩnh vực khác trong việc kinh doanh của bạn.

Một trong những việc tốn thời gian nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào là xây dựng danh sách các mối liên hệ. Vâng, bất cứ người nào bạn biết đều có thể tạo nên sự khác biệt. Hãy tiết kiệm thời gian bằng cách tận dụng tối đa những gì bạn đang có.

Thị Trường Rộng Hay Thị Trường Hẹp?

Thị trường là một khu vực, đối tượng hay chủ đề mà bạn xây dựng sản phẩm xung quanh nó. Bạn có thể chọn thị trường rộng hoặc thị trường hẹp.

1. Thị trường rộng

Một ví dụ của thị trường rộng là “giảm cân”.
Mặc dù thị trường rộng nhắm đến một số lượng lớn người tiêu dùng, nhưng có thể sẽ rất khó để thu hút được sự chú ý giữa đám đông.

Hoặc bạn có khả năng thu hút được nhiều người, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với rất nhiều sự cạnh tranh. Thêm nữa, tỷ lệ mua hàng cũng thấp hơn do thiếu sự tập trung, hoặc khách hàng có quá nhiều sự lựa chọn.

2. Thị trường hẹp

Một ví dụ của thị trường hẹp là “giảm cân cho các bạn nữ từ 13-19 tuổi”. Một thị trường hẹp rõ ràng hơn là “giảm cân cho các bạn nữ Châu Á từ 13-19 tuổi bị mắc bệnh tiểu đường”.

Mặc dù thị trường hẹp có ít khách hàng hơn, nhưng sẽ dễ nhắm tới hơn bởi họ đang tìm kiếm một điều gì đó cụ thể.

Một khách hàng lên Google tìm kiếm “giải pháp giảm cân” có thể sẽ truy cập vào trang "giảm cân cho các bạn nữ từ 13-19 tuổi". Điều này có thể có phù với họ - hoặc không.

Tuy nhiên, nếu ai đó lên Google và tìm kiếm "giảm cân cho nữ giới từ 13-19 tuổi" và đi đến trang "giảm cân cho các bạn nữ từ 13-19 tuổi", thì đây là một sự kết hợp tuyệt vời, bởi vì bạn đang giải quyết vấn đề cụ thể cho họ.

Mặc dù nội dung có thể tương tự nhau, nhưng người ta sẽ cảm thấy nội dung của bạn phù hợp hơn khi bạn thu hẹp phạm vi đối tượng của mình lại và nói chuyện trực tiếp với họ.

Bằng cách tập trung vào các thị trường hẹp, bạn đang làm tăng cơ hội được tìm thấy (vì giảm sự cạnh tranh) và bán được hàng (vì người ta thích mua những gì phù hợp với họ nhất).

Bạn có thể thường xuyên sao chép và sắp xếp lại thông tin cho phù hợp với nhiều đối tượng thuộc nhân khẩu học khác nhau nếu nội dung cho phép. Cách này giúp bạn tiếp cận được với nhiều người hơn và tối đa hóa tỷ lệ mua hàng.

Ví dụ, đối với một doanh nghiệp truyền thống, một người thợ điện có thể cung cấp dịch vụ dành riêng cho những người già hoặc các cửa hàng bán lẻ.

Trong khi chuyên môn cho phép họ làm cả hai việc trên, nhưng bằng cách nhắm đến một thị trường cụ thể, họ sẽ có thêm nhiều cơ hội nổi bật hơn với đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.

Bí quyết để làm bạn nổi bật trong đám đông cực kỳ đơn giản – nói chuyện trực tiếp với những người bạn muốn hướng đến.

Cũng giống như khi bạn nghe gọi tên mình giữa một rừng người đang nói chuyện, thì việc tiếp thị của bạn cũng sẽ nổi bật như thế trong thế giới quảng cáo xô bồ ngày nay.

3 Câu Hỏi Phải Trả Lời Nhằm Đảm Bảo Thị Trường Ngách Của Bạn Có Khả Năng Sinh Lời

(Mời bạn truy cập trang http://phuongmai.vn để đọc tiếp chương 5)